Phát triển logistics phải bền vững, lành mạnh và bình đẳng

Thứ bảy, 23/11/2019 | 15:48

Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) năm 2019 – Lần thứ 7 do Bộ Công Thương phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam, UBND TP. Đà Nẵng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Quốc gia – Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – Ông Ousmane Dion và Phó TBT Thường trực Thời báo Kinh tế Việt Nam Nguyễn Thế Hào cùng chủ trì.

Diễn đàn lần này đặc biệt thu hút hơn 1.000 đại biểu thuộc các Tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI, trên 30 đoàn quốc tế dọc tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, các quốc gia khối ASEAN, Trung Quốc và một số đoàn từ châu Âu, hơn 50 chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, logistics, công nghệ 4.0, v.v…

Khơi thông dòng chảy logistics

Theo đó, VLF 2019 gồm các chuỗi sự kiện xuyên suốt: Chương trình khảo sát cảng và Trung tâm Logistics Chu Lai, thăm nhà máy ô tô Trường Hải, 02 Hội thảo chuyên đề “Logistics kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây” và “Kinh tế chia sẻ trong Logistics”. Tại Phiên toàn thể diễn ra vào ngày 23/11, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về chủ đề “Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản”.

Đặt mục tiêu kỳ vọng “Khơi thông dòng chảy logistics”, Diễn đàn năm nay tiếp tục đề cập, bàn thảo những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành Logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu hướng phát triển của công nghệ số. VLF 2019 tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tê Đông – Tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics; đặc biệt là nhận diện và hiến kế các giải pháp có tính đột phá, thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam. Diễn đàn cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối chuỗi giá trị tạo nền tảng bền vững, nâng cao giá trị đóng góp của ngành logistics vào GDP cả nước trong những năm tới.

Trong thời gian qua, ngành logistics có mức tăng trưởng cao từ 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay có khoảng 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30 – 35%. Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.

Với chủ đề “Logistics hỗ trợ nâng cao giá trị nông sản”, tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận định, hiện nay nước ta đang tập trung 64% hàng nông sản thực phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đã xử lý được 75% việc vận chuyển từ ĐBSCL lên cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và lên TP. Hồ Chí Minh bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên, hạn chế của vùng ĐBSCL là chưa hình thành được cảng lớn để nhập – xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm kết nối đến các cảng quốc tế.

Hiện nay, chủ trương của Chính phủ và Bộ là nhất trí quy hoạch Cảng hàng không Cần Thơ thành Trung tâm vận chuyển logistics hàng nông – thủy sản của ĐBSCL.

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, về đường bộ phấn đấu đến năm 2021-2022 sẽ mở được tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ nhằm giảm tải cho đường thủy, hỗ trợ việc xuất – nhập khẩu cho khu vực ĐBSCL.

Đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics của khu vực

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Về định hướng cần tập trung trong thời gian tới đối với nhiệm vụ phát triển ngành Logistics Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Không chỉ là tăng cường quy mô về tài chính, tôi cho rằng, vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics, phải tham gia các chuỗi, khả năng và tính liên kết cũng cần đặt ra. Tôi muốn nhấn mạnh, phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các ngành kinh tế khác. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa ở cả 03 cấp độ từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, doanh nghiệp trong phát triển ngành dịch vụ logistics”.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Về chủ trương, Đảng rất quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ nói chung. Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011- 2020 đã xác định mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và trong phát triển dịch vụ phải trọng điểm ưu tiên phát triển những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tính hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, trong đó có logistics.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn

Xuất phát từ những quan điểm đó, Thủ tướng đã ra Quyết định số 200/QĐ0TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong Kế hoạch này, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ là: Phát triển thị trường dịch vụ logistics mạnh nhưng phải bền vững, lành mạnh và bình đẳng cho các doanh nghiệp kể cả trong nước và nước ngoài. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng của khu vực.

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cả về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, kiến tạo phát triển bằng cách tạo ra một hệ sinh thái thúc đẩy phát triển mạnh ngành logistics về khuôn khổ pháp lý, hạ tầng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá hiệu quả cũng như các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển, …

Phó Thủ tướng cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, World Bank chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ

Tại Diễn đàn đã diễn ra 02 lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND TP. Đà Nẵng và Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty CP LEC Group.

Nghi thức công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao Bằng khen cho các doanh nghiệp Logistics

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2019 và trao tặng Bằng khen cho hơn 20 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam.

Xuân Phương/VTOTO

Link gốc: http://vantaioto.vn/kinh-te/Phat-trien-logistics-phai-ben-vung-lanh-manh-va-binh-dang_n820143112235608810.html

 

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *