KINH TẾ TUẦN HOÀN VÀ MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN

Chúng ta đang sống trong một thế giới với nguồn tài nguyên giới hạn nhưng chúng ta vẫn đang sử dụng nền kinh tế tuyến tính tức là chúng ta lấy, dùng rồi thải bỏ. Nếu tiếp tục như vậy thì chúng ta sẽ tiêu dùng tương lai của chính mình. Vì vậy chúng ta phải tiến tới mô hình kinh tế bến vững hơn, đó là nền kinh tế tuần hoàn (circular economy). Đây là nền tảng của sự phát triển bền vững, có tiềm năng to lớn góp phần nâng cao chất lượng môi trường, phúc lợi kinh tế và công bằng xã hội cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

  1. Định nghĩa kinh tế tuần hoàn

Định nghĩa được sử dụng nhiều nhất về Kinh tế Tuần hoàn được xây dựng trên khuôn khổ 3R: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Có người mở rộng lên 4R bằng cách thêm ‘phục hồi‘ vào các nguyên tắc hoạt động kinh tế tuần hoàn này.

Theo Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của Ủy ban Châu Âu, kinh tế tuần hoàn được mô tả là việc bảo tồn giá trị sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên trong nền kinh tế trong một thời gian dài với việc giảm thiểu chất thải.

Theo Kirchherr và cộng sự (2017), kinh tế tuần hoàn là hệ thống kinh tế thay thế khái niệm “hết tuổi thọ” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi vật liệu trong các quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Mục đích của nền kinh tế tuần hoàn là tối đa hóa các sản phẩm và dịch vụ đã được sử dụng. Điều này diễn ra trong tất cả các giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm. Các giai đoạn vòng đời được đơn giản hóa của một sản phẩm là:

  • Khai thác tài nguyên thiên nhiên;
  • Chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên thành sản phẩm; và
  • Tái chế các vật liệu không sử dụng cũng như chất thải thành nguồn tài nguyên cho các sản phẩm mới.
  1. Mô hình kinh tế tuần hoàn

Mô hình kinh tế tuần hoàn của Elia và các đồng nghiệp (2017), được trình bày trong Hình 1, có thể được sử dụng để hỗ trợ việc đo lường việc áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Hình 1: Mô hình kinh tế tuần hoàn

Nguồn: Elia et al. 2017

Theo mô hình này, có bốn thành phần hành động liên quan hỗ trợ việc áp dụng kinh tế tuần hoàn như sau:

  • Thiết kế và sản xuất sản phẩm tuần hoàn, ví dụ thiết kế sinh thái diễn ra ở giai đoạn lập kế hoạch sản xuất. Thiết kế sinh thái mong muốn xem xét tác động môi trường của sản phẩm ngay từ đầu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng sản phẩm và vật liệu của nó.
  • Mô hình kinh doanh: phương thức sản xuất và tiếp thị hàng hóa thay thế, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ thuê thay vì quyền sở hữu sản phẩm và xem xét sự hợp tác và minh bạch thông qua chuỗi giá trị của sản phẩm
  • Các kỹ năng về chu trình theo tầng và chu trình ngược. Chu trình theo tầng đề cập đến việc tái sử dụng linh hoạt các vật liệu thông qua chuỗi giá trị. Ví dụ: khi vải được tái sử dụng trước tiên làm quần áo, khi cũ được sử dụng trong ngành nội thất và sau đó vật liệu này được tái sử dụng cho mục đích khác—do đó, thay thế việc sử dụng vật liệu nguyên chất trong từng trường hợp. Cuối cùng nó được đưa trở lại sinh quyển một cách an toàn. Việc sử dụng ngược lại nguyên liệu và sản phẩm, dựa trên giả định rằng nguyên liệu phải được thu thập và mang về sau khi sử dụng để trở thành một phần của các hoạt động gia tăng giá trị. Ví dụ, kỹ năng đảo ngược chu trình có thể được thực hiện đối với chuỗi giá trị của máy giặt, nơi mà tổn thất về chất lượng và nguyên liệu do các kênh thu gom không phù hợp đối với máy cũ có thể tránh được bằng hệ thống thu gom do nhà sản xuất kiểm soát. Việc kiểm soát và thu gom máy giặt của các nhà sản xuất sẽ trở nên khả thi nếu họ cho khách hàng thuê sản phẩm và do đó giữ được quyền sở hữu sản phẩm của mình.
  • Sự hợp tác xuyên chu kỳ và liên ngành: nhằm xây dựng sự hợp tác trong toàn bộ chuỗi giá trị để ngăn chặn các sản phẩm phụ trở thành chất thải còn sót lại.

Có một số đặc điểm chính của nền kinh tế tuần hoàn có thể được xác định, mặc dù chúng cũng có thể khác nhau đối với các loại sản phẩm và vật liệu khác nhau. Ví dụ: thực phẩm được tiêu dùng và kim loại có thể tái chế có những đặc điểm khác nhau của nền kinh tế tuần hoàn, nhưng các nguyên tắc tương tự đều áp dụng cho cả hai. Vì đây là những đặc điểm chính nên cũng có thể được coi là những yêu cầu then chốt của nền kinh tế tuần hoàn cần đo lường. Những đặc điểm chính này bao gồm:

  • Giảm đầu vào và sử dụng tài nguyên thiên nhiên: ở đây, mục tiêu chính là giảm sự xói mòn hệ sinh thái do sản xuất và tiêu thụ tuyến tính, cũng như tạo ra nhiều giá trị hơn từ lượng vật liệu được sử dụng trong vòng đời của chúng;
  • Giảm mức phát thải, bao gồm cả phát thải trực tiếp và gián tiếp;
  • Giảm tổn thất vật liệu có giá trị, nghĩa là ngăn chặn việc sản xuất chất thải, giảm thiểu việc đốt và chôn lấp, đồng thời giảm tổn thất năng lượng và vật chất.
  • Tăng tỷ trọng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo và tái chế: mục tiêu là cắt giảm lượng khí thải trong toàn bộ chu trình nguyên liệu bằng cách sử dụng ít nguyên liệu thô hơn và mua sắm bền vững hơn;

Tăng độ bền giá trị của sản phẩm: điều này có thể đạt được bằng cách kéo dài vòng đời của sản phẩm, sử dụng các mô hình kinh doanh dựa trên các dịch vụ định hướng sử dụng (chẳng hạn như cho thuê sản phẩm).

(Trích bài giảng khóa học Mô hình kinh tế tuần hoàn cho hệ thống thực phẩm bền vững)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *